Những điều cần biết và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy

Chúng ta cũng biết là hỏa hoạn là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất. Một khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ không chừa một thứ gì và bất cứ ai. Thời gian để ngọn lửa thiêu rụi cả tòa nhà cũng rất nhanh chóng. Cho nên khi đã xảy ra cháy chúng ta không có nhiều thời gian để suy nghĩ và tìm cách đối phó nữa. Vì vậy, kỹ năng thoát ra khỏi đám cháy nên được coi là kiến thức cơ bản và phải được trang bị.
1. Những điều cần lưu ý
Đầu tiên chúng ta cần biết rằng, nguyên nhân chính dẫn đến chết người trong sự cố cháy là do ngạt khói. Nạn nhân cũng có thể bị cháy nhưng thường là do ngạt khói và ngất đi trước khi bị cháy.
Một số trường hợp lo tìm tài sản để đưa ra nên sẽ không đủ thời gian để thoát. Bạn cần nhớ rằng ưu tiên hàng đầu trong tai nạn cháy nổ là phải thoát ra ngoài trước. Ra ngoài rồi bạn sẽ có thể nhờ đến sự trợ giúp của người khác để dập tắt đám cháy hoặc cứu tài sản.
Nơi an toàn trong đám cháy không phải là trên cao mà là nơi thấp nhất. Nhiều người cứ tìm chỗ cao để tránh cháy. Thế nhưng hơi nóng và khói thì thường bốc lên trên cho nên trốn ở trên cao không phải là cách làm đúng.
Mất bình tĩnh: Hầu hết mọi người sẽ hoảng loạn khi ở trong đám cháy lớn. Đó là yếu tố đầu tiên góp phần giết chết chính mình.

minh-hoa-f

2. Kỹ năng thoát hiểm
1. Một số trường hợp cháy nhỏ nhưng do nhà kín nên khói có thể tích tụ khắp nhà. Hoặc trường hợp bạn cần phải di duyển để tìm ra lối thoát. Đó là những lúc bạn dễ bị ngạt khói nhất. Mà như ta biết khói thì nóng và nhẹ nên sẽ lấp đầy bên trên trước. Vậy giải pháp lúc này là bạn cần một chiếc khăn, hoặc bất cứ thứ gì bằng vải sạch. Nhúng nước chiếc khăn và bịt mũi, miệng lại để hạn chế tối đa khí độc xông vào mũi. Cúi người hoặc bò sát đất để di chuyển tìm lối ra hoặc chỗ ẩn náu.
2. Nếu lửa cháy nhiều nhưng ít khói, bạn có thể dùng một chiếc chăn, màn cửa hoặc bất cứ tấm vải lớn nào bạn tìm thấy trong nhà. Nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh qua đám lửa để tìm lối thoát. Nếu không có sẵn vòi nước thì có thể tận dụng nước trong chai lọ, nồi canh hoặc chậu cá,…miễn sao làm cho tấm vải ướt là tốt nhất.
3. Nếu di chuyển trong ngôi nhà lớn hoặc chung cư, cách tốt nhất là men theo bờ tường. Nếu bạn không có tường bạn có thể bị mất phương hướng. Nếu bạn đi giữa hành lang, bạn có thể bị người khác xô đẫy, giẫm đạp, và nếu chẳng may không thể gượng dậy được thì rất đáng tiếc.
4. Khi ở trong vòng vây của lửa, nếu bạn không thể thoát ra được hãy tìm cách chống chọi với nó. Điều cốt lõi là bạn phải tạo ngăn cách với khói, lửa với bản thân. Hãy cố gắng mở cửa sổ hoặc các ô thông gió để khói tràn ra ngoài. Nếu có nước hãy tưới nó, làm ướt tất cả mọi thứ xung quanh mình. Đến lúc này thì bạn phải cố hết sức để chống chọi với lửa, cố gắng dập lửa và chờ được cứu.
5. Khi không thể thoát ra, thử phá tường hoặc cửa bằng búa hoặc các vật cứng trong nhà.
6. Trường hợp có người già và trẻ em, hãy hướng dẫn họ làm theo mình. Trấn an để giữ bình tĩnh cho tất cả mọi người. Lúc này bạn cũng nên nhớ là an toàn của mình cũng chính là an toàn của những người thân.
7. Tận dụng thời gian có thể để gọi điện thoại cho người thân hoặc hàng xóm ở gần mình nhất hoặc bấm 114 để gọi cho lực lượng PCCC.
8. Nhảy từ trên cao: Trường hợp bắt buộc phải nhảy từ trên cao hãy tạo cho mình các công cụ hỗ trợ.
Bạn có thể dùng phông màn, tấm bạt lớn, túm chặt 4 góc lại có thể tạo ra một chiếc dù để nhảy xuống. Hoặc bạn có thể xé vải để nối thành dây dài và đu xuống một đoạn, sau đó nhảy để giảm độ cao.

minh-hoa-g

Quan sát bên dưới nếu có hồ nước, chậu cây, bụi cây, thùng rác, mái hiên,…thì nhảy vào đó sẽ giảm tổn thương.
Nhảy cùng một vật khác như tấm nệm, bàn, ghế, thau. Bạn có thể ôm các vật này nhảy xuống và cố gắng để chúng tiếp đất trước sẽ có cơ hội giảm thương tích.
Nguyên tắc tiếp đất là hãy chùn chân xuống, người cúi về phía trước để giảm tối đa chấn thương chân.

3. Đề phòng hỏa hoạn
Khi xây dựng nhà, bạn cần phải tính toán đến phương án chống cháy và thoát hiểm.
Với những nhà kinh doanh buôn bán hoặc 3 phía đều có nhà, hãy trang bị trong nhà: bình cháy mini, búa lớn, búa tạ hoặc xà beng để đập cửa hoặc tường khi cần thiết.
Làm cửa hậu. Đây là lối thoát tốt nhất trong những trường hợp cháy. Nếu phía sau có đất trống thì quá dễ dàng. Nếu phía sau là nhà người khác, hãy chừa một ô nhỏ phía sau vừa làm giếng trời, vừa làm nơi thoát nạn. Khi làm nhà, thường thì mọi người đều quan tâm đến việc bảo vệ tài sản mà quên đi việc phải thoát nạn như thế nào khi xảy ra cháy. Hãy cố gắng hài hòa giữa việc đề phòng trộm cắp và phòng chống cháy nổ nhé.
Khi đến nơi đông người như siêu thị, rạp chiếu phim, chung cư, lễ hội…hãy quan sát và nhớ kỹ các lối ra vào, lối thoát hiểm.
Bài viết được tổng hợp từ kiến thức nhiều năm tham gia học phòng cháy chữa cháy của tác giả và từ các nguồn thông tin tin cậy trên internet. Hi vọng nó sẽ có ích cho bạn. Nếu có gì sai hoặc thiết sót các bạn vui lòng góp ý bên dưới. Xin cảm ơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *