Những điều cần biết và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy

Chúng ta cũng biết là hỏa hoạn là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất. Một khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ không chừa một thứ gì và bất cứ ai. Thời gian để ngọn lửa thiêu rụi cả tòa nhà cũng rất nhanh chóng. Cho nên khi đã xảy ra cháy chúng ta không có nhiều thời gian để suy nghĩ và tìm cách đối phó nữa. Vì vậy, kỹ năng thoát ra khỏi đám cháy nên được coi là kiến thức cơ bản và phải được trang bị.
1. Những điều cần lưu ý
Đầu tiên chúng ta cần biết rằng, nguyên nhân chính dẫn đến chết người trong sự cố cháy là do ngạt khói. Nạn nhân cũng có thể bị cháy nhưng thường là do ngạt khói và ngất đi trước khi bị cháy.
Một số trường hợp lo tìm tài sản để đưa ra nên sẽ không đủ thời gian để thoát. Bạn cần nhớ rằng ưu tiên hàng đầu trong tai nạn cháy nổ là phải thoát ra ngoài trước. Ra ngoài rồi bạn sẽ có thể nhờ đến sự trợ giúp của người khác để dập tắt đám cháy hoặc cứu tài sản.
Nơi an toàn trong đám cháy không phải là trên cao mà là nơi thấp nhất. Nhiều người cứ tìm chỗ cao để tránh cháy. Thế nhưng hơi nóng và khói thì thường bốc lên trên cho nên trốn ở trên cao không phải là cách làm đúng.
Mất bình tĩnh: Hầu hết mọi người sẽ hoảng loạn khi ở trong đám cháy lớn. Đó là yếu tố đầu tiên góp phần giết chết chính mình.

minh-hoa-f

2. Kỹ năng thoát hiểm
1. Một số trường hợp cháy nhỏ nhưng do nhà kín nên khói có thể tích tụ khắp nhà. Hoặc trường hợp bạn cần phải di duyển để tìm ra lối thoát. Đó là những lúc bạn dễ bị ngạt khói nhất. Mà như ta biết khói thì nóng và nhẹ nên sẽ lấp đầy bên trên trước. Vậy giải pháp lúc này là bạn cần một chiếc khăn, hoặc bất cứ thứ gì bằng vải sạch. Nhúng nước chiếc khăn và bịt mũi, miệng lại để hạn chế tối đa khí độc xông vào mũi. Cúi người hoặc bò sát đất để di chuyển tìm lối ra hoặc chỗ ẩn náu.
2. Nếu lửa cháy nhiều nhưng ít khói, bạn có thể dùng một chiếc chăn, màn cửa hoặc bất cứ tấm vải lớn nào bạn tìm thấy trong nhà. Nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh qua đám lửa để tìm lối thoát. Nếu không có sẵn vòi nước thì có thể tận dụng nước trong chai lọ, nồi canh hoặc chậu cá,…miễn sao làm cho tấm vải ướt là tốt nhất.
3. Nếu di chuyển trong ngôi nhà lớn hoặc chung cư, cách tốt nhất là men theo bờ tường. Nếu bạn không có tường bạn có thể bị mất phương hướng. Nếu bạn đi giữa hành lang, bạn có thể bị người khác xô đẫy, giẫm đạp, và nếu chẳng may không thể gượng dậy được thì rất đáng tiếc.
4. Khi ở trong vòng vây của lửa, nếu bạn không thể thoát ra được hãy tìm cách chống chọi với nó. Điều cốt lõi là bạn phải tạo ngăn cách với khói, lửa với bản thân. Hãy cố gắng mở cửa sổ hoặc các ô thông gió để khói tràn ra ngoài. Nếu có nước hãy tưới nó, làm ướt tất cả mọi thứ xung quanh mình. Đến lúc này thì bạn phải cố hết sức để chống chọi với lửa, cố gắng dập lửa và chờ được cứu.
5. Khi không thể thoát ra, thử phá tường hoặc cửa bằng búa hoặc các vật cứng trong nhà.
6. Trường hợp có người già và trẻ em, hãy hướng dẫn họ làm theo mình. Trấn an để giữ bình tĩnh cho tất cả mọi người. Lúc này bạn cũng nên nhớ là an toàn của mình cũng chính là an toàn của những người thân.
7. Tận dụng thời gian có thể để gọi điện thoại cho người thân hoặc hàng xóm ở gần mình nhất hoặc bấm 114 để gọi cho lực lượng PCCC.
8. Nhảy từ trên cao: Trường hợp bắt buộc phải nhảy từ trên cao hãy tạo cho mình các công cụ hỗ trợ.
Bạn có thể dùng phông màn, tấm bạt lớn, túm chặt 4 góc lại có thể tạo ra một chiếc dù để nhảy xuống. Hoặc bạn có thể xé vải để nối thành dây dài và đu xuống một đoạn, sau đó nhảy để giảm độ cao.

minh-hoa-g

Quan sát bên dưới nếu có hồ nước, chậu cây, bụi cây, thùng rác, mái hiên,…thì nhảy vào đó sẽ giảm tổn thương.
Nhảy cùng một vật khác như tấm nệm, bàn, ghế, thau. Bạn có thể ôm các vật này nhảy xuống và cố gắng để chúng tiếp đất trước sẽ có cơ hội giảm thương tích.
Nguyên tắc tiếp đất là hãy chùn chân xuống, người cúi về phía trước để giảm tối đa chấn thương chân.

3. Đề phòng hỏa hoạn
Khi xây dựng nhà, bạn cần phải tính toán đến phương án chống cháy và thoát hiểm.
Với những nhà kinh doanh buôn bán hoặc 3 phía đều có nhà, hãy trang bị trong nhà: bình cháy mini, búa lớn, búa tạ hoặc xà beng để đập cửa hoặc tường khi cần thiết.
Làm cửa hậu. Đây là lối thoát tốt nhất trong những trường hợp cháy. Nếu phía sau có đất trống thì quá dễ dàng. Nếu phía sau là nhà người khác, hãy chừa một ô nhỏ phía sau vừa làm giếng trời, vừa làm nơi thoát nạn. Khi làm nhà, thường thì mọi người đều quan tâm đến việc bảo vệ tài sản mà quên đi việc phải thoát nạn như thế nào khi xảy ra cháy. Hãy cố gắng hài hòa giữa việc đề phòng trộm cắp và phòng chống cháy nổ nhé.
Khi đến nơi đông người như siêu thị, rạp chiếu phim, chung cư, lễ hội…hãy quan sát và nhớ kỹ các lối ra vào, lối thoát hiểm.
Bài viết được tổng hợp từ kiến thức nhiều năm tham gia học phòng cháy chữa cháy của tác giả và từ các nguồn thông tin tin cậy trên internet. Hi vọng nó sẽ có ích cho bạn. Nếu có gì sai hoặc thiết sót các bạn vui lòng góp ý bên dưới. Xin cảm ơn.

Kỹ năng thoát hiểm khi cháy nhà cao tầng

Bình tĩnh là nguyên tắc sống còn trong ứng phó sự cố khẩn cấp. Khi có cháy xảy ra ở nhà cao tầng, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát hiểm, tuyệt đối không dùng thang máy vì bạn có thể bị kẹt lại khi điện cúp. Dùng chăn, áo thấm nước choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể…

  1. Khi đến một ngôi nhà hay khai thác sử dụng nhà tầng:

– Việc đầu tiên bạn phải xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu, có thể bạn không đi bằng lối này nhưng vẫn cần phải biết. Thông thường nó nằm gần thang máy, có chỉ dẫn bằng hình vẽ, mũi tên chỉ hướng, đèn màu xanh.

minh-hoa-b

– Nên chú ý đến vị trí đặt phương tiện chữa cháy để sử dụng khi cần (trước đó nên tham dự một buổi học về cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn). Đôi khi 1 cuộn vòi chữa cháy cũng chính là một dây thoát nạn.

– Nên trang bị mỗi tầng hay đơn nguyên một thiết bị thoát nạn như: dây cứu nạn, thang dây, ống trượt… hay đơn giản là một cuộn dây đủ chắc. Tuy nhiên phải chú ý đến chiều dài của dây, có thể không nhất thiết phải xuống tới đất mà chỉ cần xuống đến ngay tầng dưới tầng bị sự cố, sau đó ta lại có thể xuống tiếp bằng cầu thang bộ.

  1. Khi có cháy xảy ra trong nhà cao tầng:

– Bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất. Áp dụng ngay các biện pháp để tránh khói khí độc.

minh-hoa-c

– Sử dụng các phương tiện sẵn có để dập cháy. Nếu không được, hãy tìm cách thoát ra khỏi toà nhà qua các lối thoát nạn thông thường cầu thang bộ, nơi có đèn Exit (Lối ra) là lối an toàn nhất.

– Trước khi mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay (sau đó sờ tay) lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn mới mở. Khi mở nên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa tạt (overflash). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

– Nếu không thể ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng nó lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ, vải nhúng nước chặn lại. Nên nhớ bạn có nguy cơ chết vì khói khí độc trước khi bị nhiệt thiêu đốt.

– Di chuyển sang phòng khác hoặc ra ban công, cửa sổ gọi to và dùng quần áo màu sáng vẫy ra hiệu người ở dưới.

– Nếu có dây cứu nạn hay thang dây… thì dùng nó để thoát, nếu không có, có thể tận dụng các dây đủ chắc sẵn có trong nhà để tụt xuống. Đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là sợi dây cứu lý tưởng. Hãy mặc nhiều quần áo và quấn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt dây.

minh-hoa-d

– Nếu có điện thoại hãy gọi 114 hay công an phường, người thân để báo cho mọi người biết có cháy và vị trí bạn đang bị kẹt.

– Nếu phải băng qua lửa, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu.

– Nếu di chuyển trong phòng có nhiều khói hãy bò hoặc đi khom người vì nồng độ ôxy ở phía dưới cao hơn.

– Tuyệt đối không nhảy xuống, trừ khi có đệm không khí của lực lượng chữa cháy cứu hộ ở dưới.

minh-hoa-e

Cuối cùng xin chúc các bạn không bao giờ phải sử dụng đến các giải pháp nêu trên. Nhưng nếu phải cần đến chúng thì hãy dùng triệt để và hiệu quả nhé!

Kỹ năng thoát hiểm người lớn nên dạy trẻ nhỏ khi xảy ra hỏa hoạn

Kỹ năng một: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn (tất nhiên người lớn cần có kỹ năng thoát nạn).

Kỹ năng 2: Trường hợp ở nhà một mình, hãy chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài. Chẳng hạn nếu nhà đơn lẻ chỉ có một cửa ra, đó chính là lối thoát nạn. Nếu nhà có cửa trước và cửa sau đều dẫn ra ngoài thì 2 lối này thoát nạn được. Còn nhà trên tầng, hãy thoát ra bằng cửa vào buồng thang bộ chống nhiễm khói. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi cứu hỏa. 

Kỹ năng 3: Trường hợp cửa khóa, nếu ngửi thấy mùi khét hoặc trông thấy khói, lửa cháy, phải cố gắng giữ bình tĩnh, kêu gọi sự trợ giúp của người lớn trong gia đình bằng cách hô lớn “Cháy”. 

Nếu bên cạnh có hàng xóm, bé hãy nhanh chóng gọi họ giúp đỡ. Dùng điện thoại gọi ngay cho đội cứu hỏa, số điện thoại 114 (chỉ bấm 114, không thêm bất cứ số nào khác, rồi làm theo hướng dẫn của các chú). Đồng thời cầm khăn vải sáng màu và di chuyển ra ban công của bất cứ tầng nào của ngôi nhà, tốt nhất lên sân thượng, đứng vào một bên lan can của ban công phía có tường nhà che chắn để kêu cứu.

Kỹ năng 4: Nếu ở nhà cao tầng hoặc khu chung cư, trẻ cần hô hoán báo động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Trường hợp cháy ở nơi khác, khi có chuông báo cháy thì cần nhanh chóng di chuyển để thoát nạn. Khi di chuyển nên mang theo khăn nhúng nước che mũi, miệng để thở. Nếu thấy các bác, cô, chú hàng xóm đang thoát nạn thì cầu cứu sự giúp đỡ và di chuyển cùng họ, bằng không hãy tự mình di chuyển.

Kỹ năng 5: Nếu ở chung cư, trẻ hãy di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT màu xanh). Quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất.

Kỹ năng 6: Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp toàn bộ đều có khói, hãy trở về căn hộ của mình, dùng điện thoại gọi 114 thông báo con đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại), dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu.

Lưu ý: Nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên. Do đó cha mẹ hãy kiểm tra xem lối cầu thang bộ của tòa nhà mình là loại nào.

Kỹ năng 7: Phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các đám cháy do ngạt, ngộ độc khói và khí độc kèm trong khói. Do đó trong quá trình di chuyển thấy khói, hãy dạy bé dùng khăn hay vải thấm nước buộc quanh mặt ra sau tai hoặc bịt lên miệng, mũi để hô hấp. Khi di chuyển cúi người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra. 

Nếu gia đình tự trang bị bình chữa cháy mini nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng chữa đám lửa nhỏ nếu độ tuổi của bé có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tốt. Không dạy trẻ dùng nước hắt vào đám lửa đề phòng trường hợp cháy thiết bị điện có thể gây hậu quả lớn.

Kỹ năng sinh tồn khi gặp hỏa hoạn

  1. Phản ứng ngay khi có dấu hiệu hỏa hoạn (khói, mùi khét, hoặc chuông báo cháy, nếu có). Lấy một cái chăn trùm người lại (dày vừa phải để bạn dễ dàng di chuyển) và ra khỏi nhà ngay. Giày dép gì cũng được, đừng mất thời gian ngồi thắt dây đôi giày thể thao của mình vì bạn tiếc của hoặc nó trông hợp với bạn hơn. Đây không phải lúc quan tâm đến khía cạnh thời trang đâu nhé.
  2. Nếu cửa đang mở và đám cháy đang lan đến phòng bạn, hãy đóng cửa lại để  ngọn lửa không bén vào phòng ngay lập tức. Trong trường hợp này, hãy tuần tự tiến hành các bước sau:

– Cảm nhận sức nóng của cánh cửa. Nhớ, khi bạn sờ vào cửa để thử độ nóng, hãy thử bằng mu bàn tay chứ không phải lòng bàn tay. Mu bàn tay của bạn có nhiều dây thần kinh hơn, nó giúp bạn xác định độ nóng chính xác hơn mà không cần phải chạm hẳn vào bề mặt cửa. Hơn nữa, bề mặt cửa có thể làm phỏng da bạn mặc dù sờ có vẻ chưa nóng lắm. Hãy để dành lòng bàn tay và ngón tay bạn trên đường thoát ra ngoài.

– Nếu bạn cảm thấy phía dưới cửa chưa nóng, tốt quá. Mở cửa, từ từ thôi, quan sát xung quanh. Khói sẽ bay ở phía trên, vì thế, bình tĩnh nằm sát mặt đất và trườn ra ngoài. Bạn càng nằm sát đất bao nhiêu, bạn càng dễ thoát khỏi đám cháy bấy nhiêu. Khói phía trên không chỉ là khói mà còn là không khí bị hun nóng cực độ (có thể lên đến 1500 độ C đấy) và rất nhiều khí độc hại khác. Hơn 70% số người chết trong đám cháy là do hít phải khói này đấy. Hãy la lớn để mọi người còn kẹt trong nhà có thể đi theo bạn. Mau chóng hỗ trợ trẻ em, người già và phụ nữ trong gia đình ra ngoài nhanh nhất có thể.

minh-hoa-a
Hình minh hoạ cách thoát khỏi đám cháy của Trạm điện ngầm Tokyo – bò sát mặt đất chứ không đứng cao.

– Nếu cảm thấy cánh cửa nóng, chứng tỏ lửa đang tiến đến gần cửa và phía bên kia đang rất nóng. Đừng mở cửa, hãy tìm lối thoát khác, cửa thoát hiểm, cửa sổ v.v.

  1. Trong trường hợp bạn bị kẹt, hãy cố gắng đến được chỗ mà lực lượng cứu hỏa và cấp cứu có thể nghe hoặc thấy bạn. Bạn có thể lấy bất cứ vật dụng nào màu trắng và đặt/treo nó ở vị trí dễ thu hút sự chú ý. Không mở cửa sổ, oxy bên ngoài cửa sổ sẽ thu hút lửa từ cửa chính và làm bạn bị kẹt trong lửa. Lấy khăn hoặc bất cứ thứ gì bạn tìm được chặn phía dưới cửa chính để ngăn không cho khói bay vào phòng.
  2. Nếu bắt buộc phải nhảy từ cửa sổ, hãy tìm một cái gờ nào đó để bám vào, bạn có thể đi trên gờ, quay mặt vào bờ tường. Nhớ luôn đối mặt với bờ tường khi chui ra từ cửa sổ ở trên cao. Vì khi đó, bạn có thể dùng hết sức mình để bám vào tường và đáp đất một cách an toàn hơn. Tuy nhiên, lý tưởng vẫn là ngồi yên trong phòng, cách ly lửa bên ngoài bằng cửa phòng đóng chặt, chặn khói lan trong phòng, lấy bất cứ thứ gì bạn tìm thấy được che mũi và miệng bạn để lọc không khí và cầu nguyện ai đó sẽ đến cứu bạn.
  3. Như đã nói ở trên, cố gắng đừng hít phải khói. Áo, miếng vải, mền, bất cứ thứ gì có thể, làm ướt nó và đặt nó trên mũi và miệng bạn để bảo vệ chúng khi bạn trườn qua đám lửa. Việc này chỉ mất một phút hơn nhưng sẽ giúp bạn lọc rất nhiều khói bụi từ đám cháy gây nên đấy.
  4. Kêu gọi sự giúp đỡ ngay khi bạn ra khỏi đám cháy từ số điện thoại khẩn cấp 114 của lực lượng cứu hoả và nhờ hàng xóm giúp đỡ.
phòng cháy 1
Cố gắng không hít phải khí độc
  1. Trong trường hợp có ai đó mất tích, chỉ chạy ngược vào trong nhà khi tình huống đủ an toàn để bạn làm điều đó. Thông báo ngay với lực lượng cứu hỏa nếu bạn nghĩ ai đó vẫn còn bị kẹt trong nhà. Tương tự như vậy, khi mọi người đã ra khỏi nhà an toàn và đầy đủ, bạn cũng nên thông báo cho các anh ấy biết để không cử người vào kiểm tra nữa, giảm đáng kể nguy cơ thương vong cho các anh cứu hoả đấy.
  2. Kiểm tra xem có ai bị thương không. Nếu có, thông báo ngay với lực lượng cứu hỏa và gọi cấp cứu.
  3. Tránh xa khỏi căn nhà. Giữ khoảng cách an toàn giữa bạn và ngọn lửa để không bị thương do tàn lửa, gạch đá bắn ra.

Bạn cũng có thể áp dụng những tips sau của chúng tớ để giảm nguy cơ hoả hoạn nè, nhất là trong mùa hanh khô

– Luôn bảo trì thường xuyên và đặt các thiết bị an toàn ở nơi dễ tìm thấy, ví dụ bình cứu hoả, thang thoát hiểm. Đương nhiên là bạn phải học cách sử dụng chúng rồi. Kiểm tra bình cứu hoả định kỳ (khoảng 1 năm 1 lần) và thay thế nếu không còn sử dụng được nữa.

phòng cháy 2
Học cách sử dụng các thiết bị an toàn nhé!

– Nếu có thể, bạn hãy thiết kế sao cho phòng hoặc nhà bạn có hai lối thoát. Nếu lối thoát hiểm phụ của nhà bạn là cửa sổ, hãy chuẩn bị sẵn thang để có thể sử dụng ngay trong trường hợp khẩn cấp, bạn không muốn đến lúc lửa vây tứ phía còn phải đi tìm thang hay liều mạng nhảy từ tầng 5, 6, 7 xuống mặt đất, đúng không?

– Có kế hoạch và thực hành phương án thoát hiểm khi có trường hợp khẩn cấp với gia đình của bạn. Nếu có thể, hãy sắp xếp một địa điểm tập họp trước cho gia đình trong trường hợp khẩn cấp. Bạn sẽ không phải chạy đôn chạy đáo đi kiếm mọi người trong tình cảnh tinh thần hoảng loạn và thể xác mệt mỏi. Có thể bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng đến (may mắn làm sao) nhưng không ai biết trước được điều gì. Cẩn tắc vô ưu, đúng không?

– Nếu có điều kiện, bạn có thể lắp thiết bị phát hiện khói, và cũng nhớ là kiểm tra và bảo trì thường xuyên nhé!

– Lau chùi các thiết bị trong nhà định kì nhằm giảm nguy cơ hoả hoạn.

Trong mọi trường hợp, điều quan trọng nhất là sự sống sót của bạn và người thân. Nhớ nằm lòng bí quyết thoát ra khỏi đám cháy chính là “dừng lại, nằm sát đất, lăn tròn, che mặt lại” và không hít khói. Đừng hoảng loạn, hãy cố gắng bình tĩnh hết sức, tìm cách giảm thiểu mức độ thương vong tối đa cho bản thân và gia đình.